SeokSoo | Oneshot | Lỡ Thời Tươi Trẻ

Characters: Lê Xuân Minh x Hồng Chí Tú

Categories: Vietnam-setting, OOC, SE

Summary: Đôi khi không cần phải là một ngày nắng đẹp để gặp nhau, mà cũng không cần là một ngày kéo mây xám xịt để xa nhau.

Count: 11216w

A/N: Thật ra lúc đầu nó là tản văn, dần sau tác giả lại như viết sảng.

Fic được viết dưới dạng hư cấu, phi lợi nhuận và có sở hữu.
Vui lòng không mang đi khi chưa có sự cho phép.

1.

Sài Gòn bước qua bạo bệnh hơn chục năm, xóm lao động nhà Minh dân nhập cư rối rít chuyển đến. Cái chung cư cũ hai tầng tường lấm lem rêu phong, mỗi sáng rầm rập tiếng người lên xuống cầu thang sắt hình xoắn ốc rỉ sét. Minh thích chạy loanh quanh cái thang ngoài duy nhất của cả khu chung cư đó để chơi, mỗi tội phía trên cửa kéo đóng kín chỉ có thể bước lên vài bước rồi lại bước xuống. Dưới cầu thang có một góc hẹp gay mùi ẩm thấm, bọn trong xóm hay thích chui vào lúc chơi trốn tìm nhưng không dám bước lại lúc mặt trời khuất bóng, bọn nó đồn nhau nếu bước vào sẽ bị bóng đen phía sau kéo đi mất. Mẹ Minh cũng không thích cậu chơi quanh đó, bà nói chung cư của người nhập cư toàn bọn không ra gì, hút chích thành thói vả lại cuối xóm có nhà ông Tài siêu giàu chuyên cho thuê xe hơi bảy chỗ hay ra vào, từ khu nhà cậu đi qua cách một con đường 5m, lỡ gặp chuyện gì muốn cứu cũng không kịp.

Thật ra bọn nó có thể trốn trong gờ tường nhà cô Đào bán cafe đầu ngõ nhưng chỗ đó ai cũng biết, những đứa lớn mới có thể leo vào, mấy đứa nhỏ mà bị bắt rồi có muốn chạy về tùng cũng không được. Thằng Minh thì thích trốn ở đó, chân khỏe tay chắc vịn người vào thành nhảy một phát đã qua khỏi gờ tường chạy đi. Đôi khi cũng gặp chút sự cố bất ngờ, ví như té trặc tay, đáp đất không tốt cà cả mặt ra đường, có lúc nhảy nhầm hướng đâm thẳng ra đầu xe. Hôm nay xui rủi thế nào bay qua chung cư đâm vào người bên đó.

Cậu nhớ rõ dáng dấp của anh sinh viên bị mình đụng phải, so với người miền nam đã có thể tính khá cao, ngang ngửa với cha cậu, kèm theo bộ dạng tri thức thời bấy giờ. Mẹ dặn cậu, đụng phải người bên chung cư thì cứ xin lỗi trước đi kẻo lại gặp phiền phức. Nhưng bộ dạng của người này không hề đáng sợ chút nào, thậm chí anh còn đỡ cậu dậy phủi đi lớp đất cát trên chân tay.

“Ụa mẹ, bên chung cư mới có người chuyển đến hả?”

Mẹ Minh khựng người, nhăn mày.

“Tao nói bao nhiêu lần là đừng có qua bên đó rồi mà”

“Nhưng mà cái anh đó lạ lắm, cũng không phải kiểu như ông Nhân”

Kết quả chén cơm ăn chưa xong Minh đã phải ăn roi thay vào. Cậu cũng không kể cho mẹ chuyện mỗi ngày lân la qua khu chung cư tìm người kia nữa. Đám nhỏ trong xóm vẫn tụ tập chơi ngay đó, Minh hùa theo bọn nó chạy giỡn loạn cả lên, cậu để ý được anh sinh viên sáng sớm đã đi mất, đến chiều quá giờ tan tầm mới về, sau đó ở lì trong căn trọ ngay góc tầng hai. Cậu chưa từng thấy anh dắt bạn về, cũng không thấy có gia đình đến thăm.

“Anh học cái gì vậy?”

Minh hay hỏi chứ cũng không có ý xấu gì, cậu tò mò người như anh sao lại ở trong khu tệ nạn (theo như lời mẹ cậu), bản tính của con nít là vậy. Anh sinh viên chỉ cười rồi nói lý do cho cậu nghe, Minh câu hiểu câu mất chứ cũng chẳng biết mô tê gì. Hai người kể từ đó mỗi tuần nói với nhau vài câu, sau lại mỗi ngày nói với nhau nhiều câu. Ngoài bạn trên trường và mấy đứa trong xóm, Minh có thêm một người bạn lớn hơn mình gần chục tuổi.

2.

Hè 2008, ông cậu họ nhà ở đối diện dốc hết tiền tiết kiệm mua dàn máy vi tính đời mới, con cháu trong nhà như Minh cũng được ké qua chơi. Thùng máy nằm ngang như cái đầu chạy đĩa, ở giữa có cái nút bấm tròn bên trong chạy đèn, màn hình mỏng chân trụ tròn đặt trên bàn gỗ để sát tường nhà chiếm hết một chỗ lớn. Thời đó trừ tiệm net cũng không có mấy nhà bình dân có loại máy vi tính xịn như này. Ông cậu giở thói hư vinh muốn khoe cho cả xóm biết nhà ổng có đồ công nghệ đời mới, ngày nào cũng mở lớn cái cửa nhà một cánh, đi lướt qua là đã thấy được máy vi tính.

Ổng xài hơi hao, mới được mấy tháng cái máy đã bắt đầu co giật, mỗi lần mở lên nó liền kêu rồ rồ như cái bô xe của mấy tên tổ lái trong xóm, thùng máy cũng nóng hổi. Ông cậu bực mình lắm, cũng không cho cậu qua chơi ké nhiều nữa. Biết sao được, bao nhiêu tiền đã đổ đi mua đồ mới, giờ ổng lại tiếc tiền không dám gọi thợ vào sửa. Phải biết là mấy thứ công nghệ mới như này tiền sửa cũng đã hết nửa tiền mua máy mới, còn xài được lúc nào hay lúc đó thôi.

“Con biết có anh sinh viên biết sửa vi tính, ông cậu muốn gọi người ta qua không?”

“Nhưng mà nó tính tiền tao mắc rồi sao”

“Người quen của con mà, không mắc đâu. Nhưng mà đừng nói mẹ con biết là được”

Ông cậu gật gù đăm chiêu suy nghĩ, có người sửa được cũng tốt, tốt hơn nữa là không phải trả quá nhiều tiền.

Ngay hôm sau Minh đã lân la qua nói chuyện cái máy của ông cậu mình với anh Tú. Lại qua thêm mấy ngày, lúc cái thùng máy xả khói sắp ngủm cù đèo thì anh cũng qua tới. Ông cậu nhìn bộ dạng sơ-vin của anh thì ưng lắm, ổng cứ cười cười rồi tấm tắc nhìn anh Tú lướt chuột như dân chuyên. Anh lấy ra cái đĩa CD bảy màu bóng loáng nhìn là biết rất mắc tiền nhấn nút bỏ vào khe đọc đĩa trên thùng máy. Cái máy lại ro ro chạy, màn hình liên hồi nhảy ra một đống cửa sổ.

“Máy chú tải game bậy nhiều quá virut nặng máy”

Ông cậu hề hề khịt mũi, ổng cứ nghĩ máy mới thì xài như nào cũng được, mấy nay chơi game loạn cả lên, tối còn xem cả mấy thứ đen đen trên mạng. Anh Tú chạy phần mềm diệt virus hết 2 tiếng, từ ồ ồ đến ro ro rồi trở về ê ê, cái máy cuối cùng cũng được cứu. Ông cậu tay bắt mặt mừng lau mồ hôi trên trán cầm tay anh Tú cảm ơn rối rít, nhưng tiền công thì không nhắc đến. Thằng Minh từ nhỏ đã được mẹ dạy chuyện sòng phẳng, cậu lên tiếng hỏi rồi bị ông cậu liếc mắt, đúng là lão keo kiệt.

Anh Tú cho ổng cái giá không thể sinh viên hơn mặc dù việc anh làm chẳng khác mấy với mấy người mở tiệm. Ông cậu vui vẻ rút ra tờ polyme màu đỏ mới toanh thẳng thớm còn thơm mùi mực, xong lại móc trong mép bóp tờ tiền giấy 5 ngàn đưa cho Minh, chắc là ổng vừa lãnh lương về. Anh Tú trước khi về dặn đi dặn lại chuyện đừng lên mấy trang web bây bạ nhiều quá, cũng đừng tải game lạ, không thì virus tràn vào máy lại hư. Không đợi anh Tú bước ra đến đường ông cậu đã quay ngoắt vào tiếp tục ngồi ôm cái máy vi tính vừa được sửa.

Minh đi cùng anh Tú lên hướng ngã ba mũi tàu mua kem bằng tờ năm ngàn mới được cho. Miếng kem chuối bỏ trong bịch nilon thơm lẫn mùi chuối chín và dừa nạo mát lạnh cái tuổi thơ của Minh. Cậu thích dáng vẻ anh Tú híp mắt cười nhai rôm rốp phần đậu phộng còn lại trong bịch kem chuối. Không biết là do cái tiếng giòn giã của đậu hay tiếng cười ngọt như kem của anh Tú.

3.

Minh lên lớp 8, anh Tú sắp ra trường. Chuyện cậu lén lút chơi với anh Tú rồi bị đánh một trận đã là chuyện của nhiều tháng trước. Mẹ Minh cũng biết luôn chuyện anh Tú hay qua sửa vi tính cho ông cậu nên mắt nhắm mắt mở cho Minh qua lại. Sau còn nhờ anh dạy kèm cho Minh ở nhà, sau nữa thì thành cả đám nhóc trong xóm kéo đến học chung.

Bọn họ là người xóm lao động một tháng kiếm không được bao tiền, thành phố bắt đầu đuổi người về các khu công nghiệp ở ngoại thành, nội thành giờ chỉ còn là người giàu đi với người giàu, người như bọn họ tranh không nổi. Ngay cả cái chợ Cây Quéo cho dân giữa ba quận cũng bị quy hoạch mở đường, biết bao nhiêu người buôn bán phải kiếm nghề khác để mưu sinh.

Cho nên có anh Tú giống như người cứu cánh cho con đường học hành của con bọn họ. Không mơ mộng, không đua đòi cho con mình chạy theo đống thành tích điểm số hay trường chuyên, chỉ cần có người nhận kèm cặp để tụi nó không đứt gánh giữa đường là đã đủ mãn nguyện. Lớp của anh Tú vừa đủ hai yếu tố đó, cho tụi nhỏ thêm kiến thức, ôn lại bài cho tụi nó, vui vẻ và ôn hòa y như tính cách của anh.

Minh không biết vì cái gì mà nở mày nở mặt lắm, cậu giống như đại ca của đám theo anh Tú học, lên lớp là chỉ chỉ trỏ trỏ sắp xếp chỗ ngồi cho tụi nó. Đứa nào tốt với cậu hay mấy đứa chơi thân đều được xếp ngồi phía trên, duy chỉ có chỗ đối diện với bàn của anh Tú lúc nào cũng có mặt Minh.

Cậu thích nghe giọng của anh Tú, ngọt ngào, nồng ấm. Anh Tú thích kể chuyện trên lớp cho tụi nó nghe, hôm nào báo bài xong sớm cả đám cũng chụm lại bắt anh kể chuyện. Chỉ là mấy chuyện vặt trên giảng đường nhưng với tụi nó là một nơi hoàn toàn mới lại. Bởi vì ngoại trừ con Thư nhà giàu nhất xóm có ba mẹ làm công chức văn phòng thì không có đứa nào ba mẹ học quá cấp 2.

Những câu chuyện trên giảng đường chưa từng xuất hiện trong cuộc đời tụi nó. Có đứa mê cái nơi chứa được một lần trăm người với tấm bảng xanh thiệt to, có đứa mê cái sân trường thênh thang, có đứa mê chuyện không phải mỗi ngày lên lớp trả bài. Minh mê hình ảnh mình tạo ra như mấy bộ phim dài tập mẹ hay coi, khi cậu bắt gặp anh Tú đạp xe trên sân trường đầy nắng, chiếc xe mỗi ngày anh vẫn khiêng lên khiêng xuống cái cầu thang cũ.

Thì ra những đứa trẻ của xóm lao động, dù tương lai bị phủ mờ bởi làn sương phía trước vẫn là những đứa trẻ mộng mơ. Giống như Dorothy mang đôi giày đỏ mải miết đi trên con đường màu vàng mà bà tiên xanh chỉ cho.

Rồi thời gian qua lâu dần, cái lớp nhỏ của anh Tú thưa dần, câu chuyện cổ tích của xóm nhỏ thật ra không có Dorothy. Chỉ có bù nhìn rơm mãi mãi ở ngoài cánh đồng lúa bị lũ quạ vây quanh. Chỉ có người thiếc không có trái tim rỉ sét vì mưa gió bên vệ đường. Và chỉ có sư tử nhút nhát bị đàn khỉ bay hù dọa trốn chui lủi trong rừng già.

Anh Tú tất bật lo cho chuyện luận văn tốt nghiệp của mình. Niềm hạnh phúc mỗi ngày lên lớp của Minh được thay bằng mấy trận đánh CF trong quán net, mấy bạn gái dễ thương quen biết trên mạng hay cùng cậu drift cua. Ừ thì lớp học không còn nữa, tự nhiên tan mất trong trí nhớ của mọi người trong xóm thôi.

4.

Một ngày như mọi ngày, Minh chạy chiếc xe Martin sườn ngang đánh võng từ trường băng qua đường lớn để về nhà. Hôm nay khu nhà trọ nhìn đông đúc hơn nhiều, một đám người đứng dưới đường xô xô đẩy đẩy, không bên nào chịu nhường nhịn bên nào, có cả bảo vệ khu phố đến cản. Mẹ Minh như đang lo lắng chờ cậu về đứng đợi sẵn đầu xóm kéo Minh vào nhà, chiếc xe cũng bỏ xó trước hiên.

“Tao nói mày là đừng có qua lại với đám bên đó rồi mà không chịu nghe tao. Cái thằng bê đê bóng gió bên đó đi dụ dỗ ông thầy nó, giờ vợ người ta tới lôi đầu nó kìa”

Minh ù ù cạc cạc không hiểu mẹ mình đang nói cái gì, cũng không biết người mẹ mình đang nhắc tới là ai. Cậu đần người nhìn mẹ luôn miệng nói, cái vách tường mỏng nhà bà Một kế bên cũng là tiếng càu nhàu. Tiếng ồn ào bên ngoài vẫn chưa dứt, Minh ghé đầu khỏi cái cửa kéo sắt nhìn ra. Cậu thấy cái xe đạp cũ của anh Tú nằm trơ trọi bị người ta dẫm đạp.

“Mẹ cứ nói gì con không hiểu gì hết á”

“Mày ngu hay gì mà không hiểu. Tao nói cái thằng Tú mày hay dắt qua nhà ông cậu mày. Nó bê đê. Nó dụ dỗ chồng người ta. Trời ơi cái thời buổi này lo chồng đi với gái còn không sợ bằng với mấy thứ hai phai ẻo lả. Mày coi chừng nó dụ luôn ông cậu mày rồi á”

Minh biết cái từ đó, trên mấy đĩa CD hài cha mua có, người ta diễn trò giả ẻo lả để chọc cười. Nhưng còn anh Tú, anh Tú làm sao có thể. Anh Tú không thể là người đi dụ dỗ người khác. Cái cửa sắt kêu lớn, Minh chạy qua bên đường đem cái thân còi của mình chen vào bên trong, muốn tìm anh Tú. Trong đầu cậu không có gì ngoài ý nghĩ đó. Vào được bên trong không có cậu lại len ra chạy lên căn trọ xập xệ.

Trong phòng đồ đạc ngổn ngang, ai đó đã lật tung tấm đệm mỏng bao qua loa trong tấm ga tối màu tước chỉ. Cái mền thô y hệt tấm lót ủi đồ mẹ cậu hay xài nằm nhăn nhúm. Cái mùng xanh vắt vẻo lung tung. Cái tủ vải đựng đồ tạm bị kéo đứt phéc-nơ-tuya. Ngay cả bàn học cũng không còn gọn gàng, đèn bàn bằng điện úp mặt muốn rớt khỏi bàn.

Nhìn xuống bên dưới, đám đông vẫn chưa tan, từ trên ban công Minh vô tình lướt qua bóng ai như là anh Tú đang đứng sau cây cột điện bằng bê tông ở góc mũi tàu ngoài đường lớn nhìn qua đây. Cậu đùng đùng chạy xuống cái thang xoắn ốc rỉ sét, chạy nhanh ra ngoài đường nhưng rồi anh Tú không còn đứng đó. Cậu lại tìm dáo dác hai bên sau đó lại chạy đuổi theo bóng nhiệt của mặt trời. Mẹ Minh thấy con đội nắng gào khản tiếng gọi về nhưng không đuổi theo, bà muốn cậu nhận ra bản chất thật của cái người vừa gây họa cho xóm, bản chất của một con người với bà là giả tạo.

Minh lại bị ăn một trận. Cho dù bây giờ đã là chín giờ tối, nhà nhà cơm nước xong xuôi Minh vẫn được cho ăn thêm một trận roi vì tội chạy rông khỏi nhà. Không biết cậu đã chạy bao xa và bao lâu, tới cái bánh xe cũng xẹp đi vì hai lỗ đinh con. Cái đít ê ẩm, cái giò xước chảy máu không phải là lý do làm cậu khóc. Mấy cái đó từ nhỏ đến giờ cậu bị không ít, chỉ là.

Đôi khi không cần phải là một ngày nắng đẹp để gặp nhau, mà cũng không cần là một ngày kéo mây xám xịt để xa nhau.

Một lần duy nhất Minh quen anh Tú, bây giờ Minh không còn được gặp anh Tú.

5.

Minh tốt nghiệp đại học, mẹ mặc lên cái áo đầm đẹp nhất trong tủ, ngồi trên hàng ghế khách mời rơi nước mắt.

Từ khi con đường nhỏ trước nhà Minh được quy hoạch mở thành đường lộ tám làn xe, dãy nhà bên ông cậu phía đối diện, khu nhà mặt tiền phía trước xóm cùng cái chung cư xập xệ bị dỡ bỏ, nhà Minh cũng mất đi một khoảng kha khá phía trước để làm đường. Người trong xóm nhận được khoảng đền bù, ít thì lấy khoảng đất nhỏ còn lại xây lên lầu sống tạm, nhiều thì đổ xô về ngoại thành mua nhà sinh sống.

Mấy đứa trong xóm chỉ còn mình Minh là gắng gượng thi đậu tốt nghiệp cấp ba rồi vào đại học, còn lại đều bỏ lại dở dang chuyện giảng đường từng mơ ước. Mẹ Minh đem tiền đền bù xây lại căn nhà một gác một lầu trên phần nền còn lại từ cái sàn nước và nửa cái bếp của căn nhà cũ, được chừng ba chục mét vuông sau khi giải tỏa, phần còn lại chắt chiu từng đồng để dành cho Minh ăn học.

Nỗi canh cánh trong lòng của mẹ Minh, về cái ngày con mình chạy đuổi theo bóng hình vô tận vẫn in sâu vào tâm trí. Ai nói một đứa trẻ thì chưa hiểu hết chuyện trên đời, con người có vui, có buồn, có yêu, có hận chứ đâu phải cái bàn cái ghế vô tri. Lo lắng rằng cậu sẽ như những đứa trong xóm lần lượt lao đầu vào đời, để rồi quên đi niềm mong mỏi đứa con trai đừng đứt gánh giữa đường của bà. Gần mười năm, gần một thập kỷ, để bà có thể thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đến ngày thấy con cầm trên tay tấm bằng cử nhân.

Bà không biết, Minh chỉ đem lòng mình gửi lại một góc nhỏ đầu tim. Đôi khi cậu bâng quơ hỏi, không biết những người từng ở xung quanh mình giờ đã ra sao. Nhưng ai biết được những người đó chỉ gói gọn trong một người, một người mà có lẽ chỉ có thể nhắc đến trong những lúc bâng quơ.

Lễ tốt nghiệp trường Minh tổ chức trong một nhà hát lớn ở nội thành thành phố, bục trao bằng đặt giữa sân khấu được rọi đèn sáng bưng, cái bảng led to lần lượt lướt qua tên những người nhận bằng được xếp theo bảng chữ cái. Cậu trầy trật suốt bốn năm đại học cuối cùng cũng cầm được tấm bằng xuất sắc cùng học bổng toàn phần văn bằng thạc sĩ ở Úc, được làm người cuối cùng nói lời kết thúc cho buổi lễ tốt nghiệp năm nay.

Minh hít một hơi thật sâu bắt đầu lời nói cậu đã chuẩn bị từ trước, bên dưới cả ngàn người đang nhìn lên cậu. Kết thúc với lời cảm ơn chân thành và một câu chúc tốt đẹp, hiệu trưởng lên trao cho Minh bó hoa thơm mùi nguyệt quế, ánh đèn nhấp nháy ghi lại hình ảnh cậu và hai mươi sinh viên danh dự. Minh nhìn ra phía xa như muốn rõ tường tận hàng ghế cuối cùng không được đèn hướng đến, tự hỏi, năm đó người kia cũng đương lúc ra trường, không biết có được bước lên bục, được giảng viên tay bắt mặt mừng khen ngợi hay không. Rồi khi anh bước ra khỏi bục, ra đến sân mừng, ánh nắng có chiếu rọi nụ cười ấm áp của anh không, hay anh chỉ lặng lẽ hòa vào dòng người, biến mất như từng ấy năm với cậu.

Thời gian chụp ảnh sau buổi lễ khá dài, cái nắng gay gắt của Sài Gòn cũng không bằng với lòng nhiệt huyết của những thanh niên mong chờ được ra đời, Minh cũng vậy. Cậu chở mẹ về trên chiếc xe tay ga mua cũng đã được ba năm, cái thuở mẹ còn chắt chiu gom góp để cố mua được con xe đời mới nhất cho Minh đi học, mặc dù mẹ vẫn chạy chiếc xe sang tay cũ, mẹ nói.

“Đã mua thì mua chiếc nào chạy cho lâu, chứ biết khi nào mới lại có tiền mua xe mới”

Vậy mà giờ Minh đã có thể mua được cho mẹ chiếc tay ga nhờ vào việc vừa học vừa làm, nhưng cậu vẫn luyến tiếc từng kỷ niệm, giữ gìn chiếc xe của mình đến tận hôm nay, chắc con xe này phải chạy hơn chục năm nữa mới bỏ được. Tấp vào quán lẩu mẹ thích ăn trên con kênh Nhiêu Lộc, mua một phần lẩu lớn đem về nhà ăn mừng tốt nghiệp, mùi xả cây quanh quẩn trên nút thun buộc chặt miệng bao nước lèo.

Mẹ Minh ngồi sau cười vui vẻ suốt quãng đường từ bờ bao đến Hoàng Văn Thụ, vòng lên ngã tư Phú Nhuận chạy vào Nguyễn Kiệm rồi về căn nhà nhỏ nằm ngoài mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Cười được một lúc thì bà lại khóc, bà khóc vì sắp phải xa con. Hai tháng nữa Minh phải bay qua Úc tiếp tục con đường học, học thạc sĩ nhiều lắm là ba năm nhưng bà biết chắc là ba năm đó con trai sẽ một mình nơi xứ người và có khi những năm tiếp theo nữa Minh chưa thể về thăm nhà.

Ai cũng vậy, cắn răng chịu khổ gồng gánh trên vai nước mắt là xa xỉ, chỉ có chia cách mới đau thấu tận tâm can. Bởi nhung nhớ ăn mòn con người ta ngày qua ngày, năm qua năm mà lòng trung thành của con người với gia đình là vô hạn. Mẹ Minh không ngờ rất nhanh thôi bà lại được gặp con, nhưng gặp đó rồi lại xa đó.

6.

Tháng mười hai trời Sài Gòn mờ hơi sương, có lẽ, trời muốn che mờ tầm mắt mẹ Minh ngóng theo bóng chiếc xe taxi chở con ra phi trường. Tiếng còi ồ ồ của chuyến tàu lửa sớm trên đường ray gần nhà vọng đến. Minh hạ kính muốn đem không khí nơi mình sinh ra hít đầy khoang phổi, kỹ lưỡng ghi nhớ nó vì rất lâu nữa cậu mới có thể quay về. Cho dù con đường cũ ngày trước đã thành đường lớn, từng dải phân cách cắt đi vận mệnh của người với người.

Xe taxi quay đầu tại vòng xoay, từng lớp người nối nhau chạy mau cho qua kịp đèn tín hiệu, Minh lại chỉ muốn xe có thể chạy chậm một chút. Cậu lại đi ngang qua đường ray xe lửa một lần, lại chạy ngang qua nhà mình một lần, nhưng lần này đã cách năm làn xe, chỉ có thể nhìn chứ không thể xuống. Mẹ Minh vẫn còn đứng trước nhà, không biết là nhìn gì bởi mỗi chiếc xe taxi ngang qua, bà lại cố ý nhìn lâu một chút, nhìn thật sâu vào tấm kính màu trên xe muốn tìm kiếm hình bóng con trai.

Lại chạy qua thêm một vòng xoay lớn, tiếp tục chạy đến cuối đường, lại quay đầu một lần rồi chạy thẳng lên cầu dẫn đến ga quốc tế. Quầy check-in chuyến bay của cậu vừa mở không bao lâu. Minh nhanh chóng làm xong thủ tục theo hướng dẫn đi đến cổng hải quan, trên cuốn passport mới toanh hiện lên dấu mộc đỏ như con tem. Cậu ngồi trên băng ghế chờ mở cổng không kìm được lấy ra điện thoại gọi cho mẹ.

“Chưa gì con đã muốn quay lại rồi”

Là đùa cũng là thật, Minh bâng quơ nói qua. Mẹ Minh chậc một tiếng, nói cái gì mà bậy bạ, đừng cứ như con nít, nhưng giọng bà cũng đã nghẹn. Tiết trời thay đổi như chóng chóng, giọng mẹ Minh đã khàn nay lại không kiềm được nữa, càng nói càng không rõ ràng. Minh bên này nhấp ngụm nước thông giọng gắng gượng nói tiếng tạm biệt. Cuộc gọi không ngắn không dài cứ vậy mà kết thúc.

Đợi hơn ba mươi phút cuối cùng cũng được lên máy bay. Minh mang thân hình của thanh niên trưởng thành gần mét tám ngồi chen vào giữa hàng ghế ba, hai bên đều là nữ, may là chọn bay hãng quốc gia, xem như cũng vừa đủ. Người ngồi bên ngoài lối đi là một cô đứng tuổi có vẻ như đi theo đoàn du lịch, tính tình rất vui vẻ, lúc chờ cất cánh quay sang nói chuyện với cậu không ngừng. Người ngồi sát cửa kính nhìn có vẻ trạc tuổi cậu, dáng vẻ lại trầm ngâm, ngoại trừ lấy điện thoại ra chụp chụp một chút cảnh bên ngoài thì không làm gì khác ngoài ngủ.

Máy bay rong ruổi trên bầu trời hơn tám tiếng, từ Sài Gòn thẳng đến Sydney rồi hạ cánh. Minh đeo lên mặt bộ dạng còn thảm hơn lúc ngồi xe khách leo đèo Đà Lạt, chỉ muốn nhanh chóng làm xong thủ tục để về trường điểm danh, hải quan lại đóng cho cậu một dấu mộc màu xanh. Cậu bước ra khỏi cổng, Úc đã có thêm một học sinh mang tên Lý Xuân Minh.

7.

Trường học tấp nập, Minh quen được cậu bạn cùng là người Việt tên Quang, quê ở tận Phú Quốc. Mà cũng là chủ nhà trọ cậu đang ở, lúc đi tìm nhà ở ngoài thì vô tình gặp được. Không biết thế nào nhưng cùng dân tộc có vẻ dễ nhận ra nhau hơn, vừa gặp lần đầu liền bắn tiếng Việt cho nhau, không lẫn đi đâu được.

Cuộc sống cao học ngoại trừ có Quang làm bạn thì cũng không mấy sôi nổi như thời đại học. Chủ yếu là vì vừa đi làm vừa đi học, không phải kiểu làm part-time sinh viên mà thật sự có một công việc cần Minh dốc sức. Thời nay không hiếm người vừa xong đại học liền có công ty đón đầu mời việc, nhưng cũng không phải con số nhiều. Hai mươi hai tuổi, Minh trở thành trưởng phòng của một phòng ban, vừa phải học hỏi kinh nghiệm vừa phải lãnh đạo một nhóm người.

Trong nhà trừ phòng chủ của Quang, phòng thuê của Minh một mình một cõi phía sau nhà, còn có hai phòng nhỏ. Có lẽ cậu được Quang thiên vị, cho ở cả một phòng lớn mà giá thì vẫn thế. Hai phòng nhỏ cứ một hai tháng sẽ có người đến rồi đi, giống kiểu homestay ngắn hạn hơn là trọ lâu dài. Lần này lại có một cậu thanh niên Mỹ, sinh viên đại học của trường lớn nhất nhì, đến thuê lâu dài.

Có ai nói Minh lớn hơn Quang một tuổi chưa, cậu sinh viên mới đến cũng vậy nhưng mới lên năm hai, nghe nói do lúc nhỏ thuộc kiểu giáo dục tại gia nên có phần trễ hơn người đồng trang lứa. Minh cũng không hiểu hết cái hệ thống giáo dục phương Tây như này, chỉ gật gù nghe thanh niên Vernon phân tích.

“Uhm, I’m not sure about that kind of culture too much, just Asian please”

Không có ý gì đâu, với cậu đi học đúng tuổi là một ý nghĩa đã ngấm sâu vào máu, giống như đói thì phải ăn, bệnh thì uống thuốc. Nhưng một câu nói đơn giản lại khiến nhiều hơn một người suy nghĩ không đơn giản chút nào.

Sau khi Vernon đến ở không lâu, trong nhà thường có nhiều tiếng động lạ. Có thể việc ra vào của nhiều người hơn khiến căn nhà được để ý hơn, dẫn đến nhiều ánh mắt dò xét cũng như trộm cắp. Cũng có thể do một đám đàn ông ở cùng nhau, vệ sinh không tốt bốc mùi gì đó kéo không ít động vật đến tham quan là chuyện thường. Minh nghĩ suy luận thứ hai đúng hơn, vì không ai mất đồ gì, cửa nẻo cũng không hư hỏng.

Cho đến một ngày cậu về nhà trễ hơn mọi khi, lần đầu tiên có dự án khiến cả phòng ban trầy trật như vậy, chất xám gì đó như bị hút cạn, đầu óc lúc này cũng muốn ngắt điện lắm rồi. Cửa nhà như bình thường đóng kín, trong nhà lại vang lên tiếng như ai đấm vào tường, cùng tiếng thở gấp. Lúc đó mười hai tỷ tế bào nơron trong đầu Minh như bị máy kích tim dập một phát, hai bán cầu ùn ùn chạy chương trình phân tích ra một vạn tình huống.

Cậu quơ lấy trái banh Quang để ngoài hiên nhà, chậm chậm mở cửa dò xét đi vào. Phòng khách một mảng tối đen, chỉ có ánh sáng đèn đường rọi vào cửa sổ đáp xuống sofa. Minh giật bắn người khi bóng đen vừa núp dưới ghế bật lên, cậu không do dự làm một cú phát bóng xoáy ngay tầm nhìn. Bóng đen ôm ngực chửi thề một tràng, sau lại có thêm bóng đen bật ngồi dậy đúng chỗ cái bóng đầu tiên. Rốt cuộc là chuyện gì đây, cậu bị đưa vào mirror dimension hay matrix hay kiểu đại loại vậy á.

“Ông dà kia ông làm khùng điên dì dậy’

Tiếng vùng miền của Quang không lẫn vào đâu được vang lên. Nhìn kỹ lại cái bóng đầu tiên cũng thật quen mắt, cậu đưa tay mở đèn phòng khách, không có ăn trộm nào hết, chỉ có Quang và Vernon hai người quần áo xộc xệch. Minh kêu thầm trong đầu hỏng bét.

Đợi hai cái bóng mặc lại áo quần gọn gàng, cuộc họp một giờ đêm đầu tiên trong nhà được mở ra.

“Như anh cũng thấy rồi, hai đứa tụi em là như vậy, nên nếu anh cảm thấy kì lạ hoặc như nào thì có thể nói rồi cùng nhau bàn bạc”

Quang trước nhất mở lời, nói bằng tiếng Anh để Vernon có thể nghe được. Như nào là như nào bây giờ, ai đời chuyện đời sống riêng tư của chủ nhà cần phải bàn bạc với người thuê nhà bao giờ.

“Thì anh thấy bình thường thôi, hai đứa lần sau có làm gì đó thì tế nhị một chút, vào phòng mà làm”

Vẻ mặt của Quang có vẻ hoài nghi không ít như kiểu không tin mấy lời Minh vừa nói ra, không đầu không đuôi hỏi.

“Không phải anh thuộc kiểu kia hả”

“Kiểu gì?”

“Old fashion..”

“Anh đây là GenZ, đâu ra cái kiểu đó”

“Bữa đầu tiên Vernon đến, ông kêu ‘just Asian please’ còn gì”

Đúng là ông nói gà, bà nói vịt vốn ý nghĩ câu Minh nói không có gì, Quang nghe qua tai trái lọt tai phải lại thành kiểu này, đúng là cái thứ tiếng bập bẹ không phải tiếng mẹ đẻ chết tiệt. Thời đại nào rồi, đừng xem cậu như kiểu ông già cổ hủ chứ, dù sao cậu cũng tính là đầu GenZ. Cuối cùng chỉ cần vài ba câu nói liền giải quyết ổn thỏa đoạn phim kinh dị, trinh thám, hài hước.

8.

Tháng tư, không khí oi bức, Minh hoàn thành chương trình thạc sĩ của mình chuẩn bị bay về quê nhà. Đi một lần liền đi gần ba năm, về rồi chưa chắc sẽ quay lại Úc. Một lần này giống như học trò khi xưa lên kinh ứng thí, chỉ khác mỗi việc cậu không phải trạng nguyên vinh hiển trở về. Ngược lại chức quan của Minh cũng không nhỏ, giám đốc bộ phân chi nhánh Việt Nam, mọi thứ ổn định rồi sẽ không cần lo lắng ngày sau nữa.

Cậu bay chuyến đêm để kịp về Sài Gòn ngay sáng, tận tay Quang chở cậu ra sân bay từ lúc mặt trời chưa lặn, đưa vào đến khu check-in. Minh cười cười, cũng không phải lần đầu ngồi máy bay, vậy mà vẫn có người tận tình trông coi. Hai người ngồi trên hàng ghế chờ nghe tiếng thông báo của sân bay, đến rồi đi.

“Lần tới về nước thì gọi anh ra đón đi chơi”

Minh chủ động lên tiếng, đứa nhỏ này nhỏ hơn mình một tuổi, mà khi cậu còn chân trái vấp chân phải cắp sách lên giảng đường, nó đã lăn lộn xứ người. Ba năm cậu ở Úc đều là ở cùng Quang, không thấy đứa nhỏ này lần nào nhắc đến việc về nhà.

“Hông dìa đâu”

Quang bày ra vẻ mặt ương ngạnh, lại không dám nhìn thẳng vào cậu, đầu cứ quanh đi quẩn lại, dòm ngó khắp nơi.

“Sao lại không về, chê anh mày hả”

“Bị đuổi cổ khỏi nhà, dìa chi cho nhục”

Cậu ngẩn người, đó giờ ở cùng nhau nhưng chuyện riêng tư gì đó không ai nói với ai. Minh cảm thấy việc hỏi chuyện riêng tư giống như lấy búa gõ vào một bức tường kính của tình anh em thân thiết và tự tôn cá nhân. Chỉ cần đụng nhẹ liền vỡ tan, trộn thành một mớ hỗn độn, muốn lấy tay gom bỏ cũng phải trầy trật một phen, tốt nhất khi đối phương không bắt đầu thì không nên chạm đến. Quang nhìn ra biểu cảm không tự nhiên của cậu liền lên tiếng.

“Hông phải dì to tát đâu, ổng bả chê tui nửa nạc nửa mỡ nên đuổi đi. Mai mà lông cánh mọc cũng được, bai một phát bai qua đây luôn. Lúc đầu sống cũng hơi quải, được cái hên”

Sân bay người đến người đi, có người nhàn hạ, có người vội vã, tấp nập về ngày mà cũng không vắng vẻ khi đêm. Có những người đi rồi sẽ về như Minh, cũng có người đi rồi là biệt vô âm tích như Quang. Không phải vì không có nhà để về mà vì không có gia đình, nhà có về thì cũng chỉ là bốn bức tường, không biết tường rỗng hay tâm rỗng.

“Không chừng đi lâu vậy rồi, cha mẹ cũng nhớ”

“Ừa, hông chừng ổng bả quên đứa con này rồi có khi”

“Ai lại quên một người mình đặt tâm vào đâu”

Minh tự nói rồi tự trầm ngâm, người mình đặt tâm vào không biết đã lưu lạc nơi đâu. Một ngày nắng cháy da thịt, nóng đến độ nhòe đi tầm mắt con người, bức xạ nhiệt bẻ cong hình ảnh trước mắt trông cứ như là ảo giác. Người kia rỗng ruột hay rỗng tâm đây. Hai mươi hai tuổi, trốn chui trốn nhủi khỏi miệng lưỡi thế gian, lòng chắc đã đem nấu cháo xào rau.

“Ông lo dì mấy chiện đó. Lo dìa nhà lấy dợ đi”

Không biết là đùa hay thật, Quang chỉ chưng hửng nói ra để đổi chủ đề.

“Tuổi này mà lấy vợ gì thằng này. Lo chuyện của mày với thằng nhóc kia đi”

“Ừa thì, cái đó được hông được dì, tui cũng hông mong đợi lắm đâu”

Trước đó không phải Quang chưa từng trải qua mối quan hệ nào. Chỉ là mấy năm nay mới nghĩ đến chuyện đường dài, hoặc do gặp được đúng người nên mới nghĩ đến. Người không biết đúng không mà chưa gì đã chạy mất, quái quỷ thật sự. Chuyện được mất tự mình hiểu rõ, không nhất thiết phải ôm mộng hão huyền.

Hai người cứ tiếp tục nói chuyện trên trời dưới đất, cứ như thể chưa bao giờ nói. Biết sao được, ba năm không dài cũng không ngắn đủ để thân rồi, xa lại thấy không nỡ. Nhưng ai rồi không phải xa nhau, đợi cậu bước qua cổng kiểm tra an ninh vào sâu vào bên trong Quang quay đầu trở về. Cổng sân bay hai người hai hướng, ai cũng có tâm sự trong lòng.

9.

Cuối năm, trong lúc đang đi công tác Minh nhận được mail từ Mỹ, đầu mail lại là tên Quang.

Dear người anh 3 năm,

Không dài dòng nhiều, tụi em quyết định sẽ làm đám cưới tại New York. Thiệp mời cùng vé máy bay đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ ông anh cắp vali bay qua.

Rất mong chờ sự có mặt của anh.

Vô cùng ngắn gọn và súc tích. Minh đọc xong ba dòng thư ngắn ngủi, phì cười. Không mong đợi lắm mà còn được kết thúc viên mãn như này. Nếu mong đợi thì không phải cậu vừa về tới nhà liền bị gọi quay lại ăn cưới rồi sao. Sẵn tiện công tác về còn được mấy ngày nghỉ, lại lấy thêm vài ngày phép, chuyến bay nửa vòng trái đất cứ vậy mà cất cánh

Minh cứ nghĩ không đời nào lại tổ chức ở nội đô Manhattan đắt đỏ đó chứ. Sau mới trố mắt ra xuýt xoa, thằng nhóc Vernon này rốt cuộc gia đình phải giàu cỡ nào mà có thể bao hẳn một sảnh lớn như này. Bùi Xuân Quang công chờ đợi lần này chẳng những không lỗ mà còn lời lại gấp mười.

“So, congratulation”

Lời ít ý nhiều, cậu đi đến bên cạnh hai người. Kết cục đẹp thế này đời người mấy ai có được.

“Quang said you’re stay here for a while, right?”

“Just few days”

“Alright, everything just count on me, OK”

Chưa kịp nói thêm, Vernon đã bị Quang kéo ra trung tâm sảnh tiệc. Trong điệu nhảy đầy sự tùy hứng của Quang là hạnh phúc, đứa trẻ này cuối cùng cũng có thể tìm được hạnh phúc của mình. Mặc dù thiếu đi tình cảm gia đình nhưng sắp tới đây Quang sẽ lại có một gia đình mới yêu thương mình.

Thời gian đúng là trôi qua chẳng đợi ai, Minh còn không ngờ ngay tại giờ phút này mình lại đứng tại một trong những nơi phồn hoa nhất trên trái đất chỉ để dự đám cưới một người bạn. Cậu lững thững bước ra bàn thức ăn tự chọn được đặt dài một bên sảnh, bên cạnh là dãy cửa kính lớn nhìn ra bên ngoài. New York đã lên đèn, từng đốm xanh đỏ thay nhau nhấp nháy. Những chiếc xe vội vã chạy, ánh sáng theo đó lướt đi, rọi vào ánh mắt của cậu rồi biến mất. Ánh sáng đi từ vách cửa kính, đi qua mặt thảm nhung đỏ, Minh đưa tầm mắt khắp sảnh lớn muốn lưu giữ lại một trong những khung cảnh đẹp đẽ nhất đời mình.

Trong sảnh mọi người đều đang chúc phúc cho cặp đôi mới cưới bằng nhiều cách. Cùng nhảy, cùng cười, cùng nâng ly. Người ở đây, Minh chưa từng biết cũng chưa từng trò chuyện với ai, vì ở đây chỉ có Minh được xem là người thân thiết của Quang, còn lại đều là bạn bè và gia đình của Vernon. Một số người không ngại ngần tiến đến trò chuyện cùng cậu.

“Hi, I’m Vernon cousin, pleasure to meet you”

Trái phải đều có người đến, Minh cảm thán, đúng là người phương Tây, đến nói chuyện cũng có thể cởi mở như vậy. Rất nhiều người đều xưng là họ hàng của Vernon, cũng có người là bạn từ nhỏ, chủ yếu đều tò mò về người bạn duy nhất của Quang này. Lần đầu tiên trong một cuộc trò chuyện, cậu không nắm được thế chủ động, bị quay cho chóng mặt với những câu hỏi.

“Mọi người cần gì cứ đi hỏi chú rể không phải sao, sao lại làm phiền đến anh bạn này như vậy”

Cuối cùng cũng có một người thật sự quan tâm đến nỗi khổ của cậu, cứu rỗi cậu khỏi tình thế này. Những người xung quanh cười giòn, cũng nhìn ra được biểu cảm của Minh, lần lượt rời khỏi chỗ cậu đứng. Cậu quay người, hướng giọng nói vừa lên tiếng giải vây. Giày boot ngắn, quần tây đen, áo sơ mi xanh gọn gàng bên ngoài, áo len cổ cao bên trong, đơn giản lại cầu kỳ. Cậu chuẩn bị cất tiếng cảm ơn, cũng chuẩn bị nói ra vài câu khen ngợi phong cách của người này.

Vậy mà trong khoảnh khắc nhìn thấy người đó, Minh không cất được lời, cậu chỉ nhớ về hình ảnh người con trai hiền lành, tay dắt chiếc xe đạp cũ bước đi dưới khoảng sân trường đầy nắng. Dù cho nó chỉ có trong tưởng tượng của cậu, lại rất lâu rồi cậu không nhớ đến nữa. Nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười ngọt ngào trước mắt, ổ tim liền không tự chủ mở ra, từng dòng máu nóng liền tràn về ôm lấy trái tim cậu.

“Anh Tú!”

Người đó vẻ mặt đầy kinh ngạc khi bị cậu giữ lấy, liên tục hỏi lại xem hai người đã từng gặp nhau chưa. Minh vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ của bản thân cho đến khi cậu bị Quang cốc đầu.

“Cái ông này, làm cái dì mà dữ khư khư tay người ta dị”

Cặp đôi chủ tiệc từ đầu vẫn luôn để ý đến cậu, một màn này xảy ra liền nhanh chóng đến giải vây. Người đàn ông sau khi tay được thả gương mặt quay về vẻ điềm nhiên, không một điểm khó chịu. Minh biết bản thân thất thố nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, người kia mỉm cười với cậu nói không sao. Đó là một chất giọng miền tây Hoa Kỳ khác biệt hoàn toàn với người miền đông như Vernon.

“Đây là anh họ của em, Joshua”

Vernon lại lên tiếng giới thiệu, thằng nhóc này rốt cuộc họ hàng có bao nhiêu người vậy. Nhưng lời giới thiệu vẫn không làm không khí bớt đi ngượng ngùng. Minh nói ra không phải người không hiểu thế sự bên ngoài. Để đứng được ở vị trí hiện tại nhân tâm cũng quá già cỗi rồi. Vậy mà chỉ trong phút chốc nhầm lẫn, cậu lại có thể bỏ hết dáng vẻ mình đắp lên người bao năm qua.

“Do anh quá giống một người quen lâu ngày không gặp của tôi nên có hơi kinh ngạc. Rất xin lỗi”

Không phải quá giống mà chính là một khuôn đúc ra, ngay cả nụ cười qua bao năm vẫn không thay hình đổi dạng. Minh thật sự nhớ anh Tú.

“Vậy chắc người đó rất quan trọng nhỉ?”

Joshua chỉ vô tình muốn hóa giả không khí ở đây nhưng lại nhận lại gương mặt nghiêm túc và cái gật đầu của cậu. Quang thở dài một tiếng kéo Minh ra một góc, ra hiệu với chồng cứu nguy cho anh họ.

“Tui nói ông nay sao lạ kì dữ. Hông ấy dìa khách sạn nghỉ lấy sức đi, mai mình lại đi chơi”

Quả thật thời gian gần đây ở trên máy bay khá nhiều, công tác vừa xong đã bay qua New York, Minh nghĩ mình nên nghĩa ngơi như lời Quang nói. Nhưng cậu lại nhớ đến buổi hẹn ngày mai, một suy nghĩ ghé qua trong đầu, nếu là đi chơi cùng gia đình thì không biết có Joshua không.

“Có Joshua không”

“Dì, ông hỏi Josh có đi hông á”

“Ừm, đi chơi gia đình mà, anh thấy Vernon cũng khá thân với người đó”

“Xao, muốn gỡ kèo hồi nảy hả”

Nghĩ đến cảnh thất thố lúc nảy, đúng là Minh chưa từng bị như thế trước mặt Quang bao giờ, lấy lại chút thể diện không phải không thể.

“Này phải hỏi chồng em, ảnh gủ ai thì có mặt người đó thôi”

Ý của Quang là để bản thân đi hỏi, không ngờ ông anh này nghe xong thì nhanh chân bước trở về cạnh Vernon, trước mặt Joshua hỏi người ta mai có đi chơi không.

10.

Cuộc đời này có nhiều thứ không nói trước được và có những điều đã được sự báo trước không thể trốn tránh. Minh xảy ra quan hệ với Joshua. Không phải vào cái ngày sau hôn lễ của Quang mà là rất lâu sau đó. Có lẽ ông trời sắp đặt quá hoàn hảo, hai người từ không có liên hệ gì với nhau, rất lâu sau đã gặp lại rồi trở thành người yêu.

Thời điểm kinh tế châu Á thịnh phát không ngờ, ngay cả cường quốc cũng muốn đâm đầu vào hợp tác, Joshua bước một bước xa xôi đến Hàn Quốc làm việc. Công nghệ 4.0 rầm rộ, con người đuổi theo máy móc, với một kỹ sư công nghệ có tiếng như anh chuyện tìm được một công ty lớn để đầu quân dễ như trở bàn tay, thậm chí còn được nhiều nơi gửi thư mời.

Khoảng cách của hai người được rút ngắn từ nửa vòng trái đất thành chỉ cách nhau năm tiếng bay thẳng. Đôi khi trong chuyến công tác của mình Minh sẽ ghé qua Seoul vài ngày, chỉ vài ngày ngắn ngủi để tận mắt nhìn kỹ mặt nhau sau đó là nhiều tháng trên điện thoại. Không biết nên gọi là dài hay ngắn, bọn họ quen nhau đã hơn hai năm.

Minh đã hai tám, mẹ cậu không biết mối quan hệ hiện tại của con, bà vẫn trông chờ cậu có được một mối tình vắt vai. Vết sẹo đầu đời của mình, hay đúng hơn là của mẹ đã khiến Minh không muốn cho mẹ biết mối quan hệ hiện tại, Joshua cũng chưa một lần nói với cậu về chuyện ra mắt gia đình anh.

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, anh muốn chia tay. Lý do lạ lùng mà cũng rất thực tế, hai người chưa từng nhắc đến câu chuyện sẽ mãi bên nhau, thay vì níu kéo chi bằng nhanh chóng kết thúc. Thật lạ sao, chẳng có ai nhắc đến chuyện này, Minh còn nghĩ Joshua sẽ là người mở lời, nhưng anh cứ như vậy mà phớt lờ cậu. Đối với người trưởng thành, chuyện có bên nhau dài lâu hay không, không phải chỉ một lời nói. Huống chi là Joshua đã qua cái tuổi ba mươi, vậy nên Minh chỉ tự mong chờ rồi tự thất vọng.

Đó là một ngày có tuyết đầu mùa rơi. Trời Seoul hôm nay vẫn xanh trong cho dù dưới đường đi đã ẩm ướt tuyết phủ, mây vẫn trắng và gió lồng lộng. Bị đuổi khỏi nhà anh, Minh cứ vậy lang thang đi, được một lát cũng không chịu nổi nữa, cậu đã quen với việc ngồi trên máy bay nhưng bản thân đâu phải sắt đá mà không biết mỏi mệt. Bên đường trồng một dãy bụi hoa không biết tên, nụ hoa vừa đâm chồi không chịu được gió lạnh nên vẫn nằm nép mình trong lá. Minh ngắt lấy một nhánh, mân mê xoay chuyển trên tay, cảm tưởng bản thân là chồi non mới nhú, chưa kịp nở đã bị người qua đường ngắt bỏ, vậy thì đến bao giờ mới thấy được ngày mai.

Minh suy nghĩ rất lâu, nghĩ xem bản thân thật sự sẽ vì chuyện mẹ không chấp nhận mà lại bỏ lỡ một người ngang qua đời mình hay không. Một lần nữa, ở nơi đất khách quê người, cậu lại phải suy nghĩ cho cuộc đời phía trước của mình. Lần này cậu không chọn quay về nhà, cậu chọn cất bước đến bên cạnh anh.

Tiếng chuông cửa vừa ngừng Joshua đã ra đến. Anh lúc nào cũng vậy, khoan thai không vì lý do gì. Không một tia ngạc nhiên nào hiện lên trong mắt anh, bình tĩnh như thể vài tiếng trước hai người vẫn đang nói cười.

“Để quên đồ gì sao”

“Em để quên anh ở lại Seoul. Lần này cùng em về nhà đi”

Sóng nước trong mắt Joshua kịch liệt dao động, như thể thủy triều tháng năm. Nhưng ngược với suy nghĩ rằng anh sẽ xúc động vì được về nhà cùng cậu, Minh nhận lại là lời chối từ của anh.

Ôi có mấy ai không mơ mộng về tình yêu rồi bị giáng một cú đến tỉnh người. Nhận ra bản thân từ trước đến giờ chỉ là một kẻ cuồng si đơn độc. Nhận ra ở trong cuộc tình chỉ có mình mới mong ước đến chuyện xa xôi, còn người ta luôn sống trong thực tại chẳng có mình.

Cậu níu tay anh như níu lấy sợi dây thừng cứu mạng. Thủy triều cuộn dâng đang cuốn cậu khỏi bờ. Một lần bị bỏ lại khiến Minh thương tích đầy mình, ngoi ngóp từng ấy năm tìm bờ cuối cùng lại trôi dạt.

“Tại sao vậy”

Không biết cậu có thật sự cần câu trả lời từ anh không, hay chỉ là nội tâm đang gào xé. Lần trước cậu đã không có dịp để hỏi người ta, lần này chỉ là một câu tu từ vô thưởng vô phạt. Nhưng dù kết quả thế nào cũng không thể tiếp tục gắn kết mối quan hệ này.

Tuyết Seoul càng rơi càng nặng, giăng kín như lớp sương sớm ngày Minh đi Úc. Con đường đến sân bay đã xa hơn rất nhiều, Minh không một lần quay đầu lại để Seoul ở đó cùng một lần chia ly. Và nhiều năm tiếp nữa, Seoul không còn thấy bước chân của một kẻ cuồng si lạc lối.

11.

Trái Đất không biết đã xoay quanh Mặt Trời bao vòng, dường như vận tốc là không tưởng nên khiến cả người, cả vật trôi đi chưa một lần quay lại. Có mấy người còn nhớ được mũi tàu Lê Lợi – Nguyễn Kiệm thế nào, cũng có ai nhớ tiệp tạp hóa nhỏ bán kem chuối ngọt ngây. Xóm trọ nghèo nàn, tiệm net kín máy, quán cafe cóc đơn sơ. Là tất cả bỏ lại người hay người bỏ lại tất cả.

Sài Gòn mưa tháng sáu nói đến là đến. Trời đang nắng gắt bỗng đổ giông liên miên. Mặt đường trước nhà Minh mưa sơn bóng loáng, có chỗ nước không thoát được đọng lại thành vũng lớn, có đứa nhóc đạp xe đi học về lỡ trượt bánh ướt sũng cả chân. Mấy quán nhậu mọc dài trên đường Phạm Văn Đồng phất lên bạc vàng, thời tiết này mà bỏ bụng miếng bò hăng vị khói, uống xuống mấy ngụm bia thì còn gì bằng. Sài Gòn mà, lúc nắng lúc mưa, có người buồn cũng phải có người vui.

Đội lớp áo mưa dày nhanh chạy về nhà, có ai nhìn Minh mà nhận ra đây là phó giám đốc của một công ty công nghệ lớn đâu. Mà dù sao, dưới màn mưa còn khiến con người ta khó nhận ra nhau còn hơn cả lớp sóng nhiệt của ngày trời oi bức nữa kìa. Giũ đi lớp nước mưa trên áo, tháo đôi giày da đã bớt màu xi, Minh trở về làm một ông chú hơn ba mươi, theo lời mẹ Minh, còn đang ế vợ.

“Hay là con cưới đại ai đi”

Minh cười khì, mẹ cậu mỗi lúc một muốn cháu, cũng muốn có người ở cạnh bên nhiều hơn. Nhưng làm sao được khi cậu không thể cưới một người mà bà cần.

“Cưới đại sao mà được, tội con người ta”

“Vậy mày cũng phải quen ai để cho mẹ yên tâm chứ con”

“Mẹ nghĩ con quen được ai bây giờ”

“Quen ai cũng được”

Cười bất lực với cái hối thúc từ ngày này qua tháng nọ của mẹ, cậu cũng đã quen rồi.

“Mẹ chắc ai cũng được không đó”

“Ừa, ai cũng được, trai gái gì cũng được”

Nói rồi bà bỏ lên lầu, vừa đi còn vừa lẩm bẩm một mình.

“Trời cũng lạnh rồi, tao cũng lạnh, mà mày còn chưa lấy ai về lo nhà, lo cửa cho, chắc cái nhà này mấy năm nữa..”

Thì đúng rồi, mưa rào năm nào mà Sài Gòn không lạnh. Có lẽ lạnh quá nên thấm luôn vào tâm tình của mẹ, hạ nhiệt cái nỗi day dứt mười mấy năm trời. Nhưng với Minh, nó nào lạnh bằng cái tuyết Seoul. Chắc cậu nên đợi mùa mưa này đi qua cái đã, đợi một ngày mặt trời đỏ lửa rồi hẵng hâm nóng trái tim mình.

Một chiếc xe taxi đậu trước mái hiên nhà, Minh không để ý mấy, xóm trong vẫn hay có người ra vào thường xuyên bàn chuyện làm ăn, hầu như ai cũng đứng trước nhà cậu chờ người nhà ông Tài ra đón. Nhưng cái giọng bô lô ba la của Quang làm cậu nhanh chóng ngước đầu nhìn.

“Chời quơi, mai là ông hông có chiển nhà đi, làm hồi nảy em ghé công ty tìm muốn chớt”

Trên tay còn ẵm đứa nhóc đầu lòng mới hơn hai tuổi, nhìn qua camera điện thoại với nhìn bằng mắt thường đúng là khác hẳn. Đứa nhỏ nhìn theo dáng vẻ cha mình, cái miệng nhỏ đóng mở không ngừng. Phía xe taxi Vernon còn đang phụ giúp tài xế lấy đồ xuống xe, vẫn dáng vẻ chăm lo cho Quang bao nhiêu năm nay. Minh đứng dậy, nhanh chân ra đến hiên nhà, tay ẵm lấy con trai nuôi.

“Ê anh nói, lúc lấy gen hình như quên cấy của mày vào hay sao. Nhìn có khác gì thằng Non đâu”

“Ông dám nói lại hông, cái mắt, cái môi là tui góp mới được dậy đó nghe chưa”

Hai người râm rang từ trước cửa đến vào cả trong nhà, mẹ Minh trên lầu quét dọn nước đọng ngoài ban công cũng nghe thấy, đi xuống.

“Trời ơi cháu nội, úi chà”

Minh quên mất, có lẽ nhờ đứa nhỏ này mà mẹ đã nguôi ngoai. Cũng có thể bà thấy được Quang đã hạnh phúc thế nào từ lời kể của cậu, qua những cuộc gọi video kéo dài từ mấy năm về trước của bà và Quang. Ngay cả lúc biết Quang cưới một anh chàng người Mỹ, bà cũng không hề kỳ thị chút nào. Giống như việc nhận Quang làm con nuôi là một phần kế hoạch đã có sẵn trong cuộc đời bà, thời cơ đến liền xảy ra. 

Mẹ Minh mong đứa cháu nội nuôi từ khi mới chỉ là một cái phôi trong ống nghiệm, đặt cho nó cái tên Đông Hải vì mong nó không quên đi một phần máu thịt Việt Nam trong người. Hải có lẽ hiểu được, mỗi khi gặp bà đều cười khúc khích. Lần này về rồi, bà cháu có nhau, nhà cũng bớt lạnh lẽo cô đơn.

Trời ngừng gió, mưa đã tạnh từ lúc nào, đèn đường nhá nhem chiếu xuống mặt đường còn ẩm nước. Cất gọn mớ đồ lỉnh kỉnh vào căn phòng nhỏ bên dưới, cả nhà đóng cửa cài khoen quyết định ra quán lẩu làm một chầu.

“Hai đứa định ở lâu không. Không ngại thì qua căn chung cư bên kia ở, sẵn canh nhà giúp anh luôn”

Dạo trước Minh vừa mua được căn chung cư ở thành phố trực thuộc sát quận nội thành, từ nhà cũ đi qua cũng chỉ có vài cây số nhưng mẹ cậu nhất quyết không dọn đi. Bà thà ở căn nhà mặt tiền chật hẹp để cho thuê chung cư được có vài triệu mỗi tháng, còn hơn kiếm vài chục triệu từ nhà cũ rồi ở chung cư. Mẹ Minh không muốn bỏ lại căn nhà mà ngoại để lại, Minh chỉ còn cách để không căn chung cư kia.

“Tụi em định ở một hai từn gòi dìa còn có diệc”

“Vậy để anh sắp xếp công việc rồi đưa mấy đứa đi chơi”

“Anh lo làm diệc đi, xong cùng đi dới tụi em luôn”

Quang trưng vẻ mặt muốn nói lại thôi. Vernon mặc dù không nghe hiểu nhưng thấy tín hiệu truyền đến, tự động thay lời muốn nói.

“Joshua, he marriage”

12.

Tháng sáu ở Cali đổ đến cái nắng cháy da, bốn người về Mỹ trước ngày cho kịp chuẩn bị dự hôn lễ, sẵn tiện đưa Minh đi gặp nhà họ hàng của Vernon, nói đúng hơn là gặp gia đình Joshua. Từ sân bay còn phải đi khá sâu vào nội thành, Quang nhân tiện thời gian chờ nói một chút về gia đình họ hàng cũng như các hoạt động trong lễ cưới.

À mà anh gặp mẹ Josh cứ nói tiếng Việt như bình thường, cô nghe hiểu”

“Bộ bác gái từng ở Việt Nam hả?”

Nghe câu hỏi câu kỳ lạ, Quang tròn mắt nhìn.

“Ụa bộ ông hông biết nhà ảnh ngừi Diệc hả”

Hai năm bên nhau, Minh và anh chưa một lần nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Hai năm im lặng rồi nổ đoàng, cậu nghĩ mình giống như một kẻ qua đường, hai năm qua chưa bao giờ thật sự biết rõ về anh. Hai người bọn họ chỉ dựa trên quan hệ tình cảm để gặp mặt nhau không hơn không kém. Ngay cả nhân viên dưới quyền cậu còn biết được bên trong hồ sơ họ có gì, còn người mình yêu đến cả hồ sơ cũng không cầm được trên tay.

Dặn lòng mình bình tĩnh lại, dù sao hai người bây giờ trên danh nghĩa, một người là anh họ Vernon, một người là bạn. Cách nhau nửa vòng trái đất, nói không biết nhau cũng là chuyện đương nhiên. Ba ngày để diễn trọn vai khách, nốt lần này để khỏi day dứt về sau.

Thứ Minh không mong chờ nhất chính là, tiếng gọi con trai của mẹ anh. Căn nhà lớn với sân sau nằm lửng giữa đồi, là một căn không quá to trong khu dân cư. Họ hàng có vài người đến sớm, đều là người ở gần đây, đều tụ tập ngoài sân mở tiệc. Chỉ có mỗi nhà Vernon phải đi từ miền Tây qua. Mẹ anh niềm nở ra đón đứa cháu chồng, đứa lanh lợi như Quang phải nói là được mấy cô dì cưng như trứng. Nay lại có thêm một đứa bạn từ Việt Nam qua, ngay cả mấy ông chú cũng cười tươi rói.

“Tú ơi, Quang đến rồi nè con”

Không chỉ riêng cậu, ngay cả anh cũng không mong chờ mấy với cái hoàn cảnh này. Hồng Chí Tú đứng ngay thềm nhà hướng ra sân sau, nhíu mi vì cái chói chang của nắng rồi mở to chăm chăm nhìn cậu, sóng nước ập đến lấp đầy hốc mắt, khóe mi ửng đỏ. 

Thì ra gặp lại nhau vào một ngày hè đỏ lửa là vậy, không có người bỏ chạy cũng chẳng có kẻ đuổi theo. Minh tự hỏi đã thôi day dứt chưa mà ký ức cứ cuồn cuộn kéo về.

Thì ra Hồng Chí Tú hay Joshua Hong trước giờ đều là một, tình cảm như lớp họa bì thay nhau hoán đổi chứ bên trong đã cũ sờn. Nhiều năm trước gặp lại, rõ ràng anh đã nhận ra vậy mà vẫn cố ý như không quen biết. Hai năm đó đồng ý quen cậu là vì hối hận năm đó đã bỏ cậu lại sao.

Nhưng tất cả đều chỉ xảy ra trong chốc lát, hai người rất nhanh lại quay về trạng thái ban đầu.

Tối đến Minh không chợp mắt được, phần nhiều do ngược múi giờ, phần còn lại do tâm trạng. Cậu chưa từng nghĩ, một ngày nào đó kết quả lại thế này. Vốn định hít thở không khí một chút cho khuây khỏa rồi lên giường, không ngờ lại gặp mẹ Tú.

“Ngược múi giờ mệt ha, để cô pha cho chút trà uống”

Cậu cười cười cầm lấy ly trà ấm, hương thơm làm thư giãn đầu óc không ít.

“Người trước đó là con phải không”

Mẹ Tú bân quơ hỏi, không biết là muốn nhắc đến lúc nào. Minh im lặng suy nghĩ, không biết nên trả lời thế nào. Qua khỏi đêm mai, anh Tú và cậu mãi mãi sẽ là người dưng, đâu cần xác định người trước, người sau làm gì.

“Anh Tú năm đó vì sao lại đi Mỹ vậy cô”

“Vậy ra con đã từng bên nó nhiều năm về trước rồi sao”

Giọng mẹ Tú nghèn nghẹn, ừ, rất nhiều năm về trước rồi, đến nỗi cậu đã sắp cất gọn nó vào một góc. Cậu cho bà một cái gật đầu, khung cảnh xóm nhập cư ngày trước như hiện ra trước mắt, mẹ Tú cũng biết bao lâu rồi không về lại quê hương.

Năm đó bà là theo đoàn trao đổi của trường đại học qua đây, gặp phải ông Hùng, một nghiên cứu sinh ngành công nghệ. Hai người vốn không có điểm tương đồng vô tình quen được nhau qua một hội bạn đồng hương. Tình yêu vốn rất đẹp cho đến khi hai người quay về Việt Nam cùng Hồng Chí Tú đã gần ba tuổi. 

Ông bà nội nhìn thấy con dâu không khỏi chán ghét, tìm mọi cách đuổi mẹ Tú đi nhưng đứa cháu trai nhất quyết giữ lại. Mẹ Tú gắng gượng sống qua vài năm thì buông xuôi, anh Tú năm đó bảy tuổi, một ngày như mọi ngày trở về nhà, không còn được ở bên mẹ.

Nhiều năm trôi qua, bà luôn tìm cách liên lạc với con trai thông qua họ hàng. Lâu sau bà chuẩn bị về nước thì nhận được tin anh muốn qua Mỹ định cư cùng bà.

“Năm đó người họ hàng đợi cô nói chuyện xong với nó rồi mới lén nhỏ giọng kể, gương mặt nó lúc tìm đến đã bị người ta đánh đến rách cả mày, bầm chỗ này sưng chỗ kia. Cuối cùng mới biết, mẹ ghẻ tìm người tới tận trường đánh nó”

Cậu nghe cũng tưởng tượng ra được bảy phần, căn phòng tồi tàn năm đó, đến cái xe đạp cũ cũng bị người ta quăng ra đường. Đám người đứng chắn hết con đường nhỏ trong xóm, tiếng la hét inh ỏi. Những lời đàm tiếu suốt bao năm liệu anh có biết, mà biết để làm gì chứ, chỉ càng đau lòng thêm.

“Cô chỉ ước mình lúc đó đừng yếu lòng mà bỏ nó lại, để quê nhà không thành nỗi ám ảnh cả đời”

Cậu cũng ước, ước rằng năm đó lớp học nhỏ đừng tan, cậu đừng ham chơi bỏ quên anh. Ước ngày hè đừng đổ lửa làm nhòe bóng ánh, mưa đầu mùa giăng mây cản lại những bánh xe tròn lăn trên đường băng. Ước năm đó Seoul ngập tuyết cản bước cậu, sóng nước trong mắt anh biết nói để kể cậu nghe những đau khổ anh đã trải qua.

“Mà thôi, đã bao nhiêu tuổi rồi. Có về được quê hương không cũng không quan trọng nữa”

“Ngủ sớm nha con”

Mẹ Tú lau đi nước mắt, ngày mai có quá nhiều thứ phải làm, bà không thể chìm đắm vào quá khứ mãi được. Đợi mẹ Tú đi khuất, Minh buông ra một tiếng thở dài, trong lòng càng nặng trĩu, không ngủ được.

13.

“Giáo sư Hùng phải không ạ. Tôi có vài chuyện muốn trao đổi với thầy, không biết có được không”

“Được chứ”

Giáo sư già mỉm cười, ông biết người trước mặt, rất có tiếng trong giới công nghệ, công ty cậu được xem như nhà tài trợ chính cho sự kiện toàn quốc lần này. Ông Hùng tưởng sẽ được mời hợp tác nghiên cứu sản phẩm mới hay cố vấn nhưng không, người trước mặt lại muốn hỏi ông chuyện gia đình.

“Không biết năm đó, chuyện con trai vì sao đi Mỹ ông có biết rõ”

“Cậu đây là muốn điều tra tôi sao”

Ông đanh mặt trả lời, những chuyện riêng tư thế này ông rõ ràng sẽ không tiết lộ. Minh nhìn ông nở nụ cười hòa hoãn, trong lòng thầm nghĩ, không muốn người khác biết chuyện xấu trong nhà mình đến vậy à.

“Tôi là bạn với Hồng Chí Tú, không lâu trước anh ấy vừa kết hôn, lần đó tôi biết được vài chuyện, chỉ muốn hỏi lại giáo sư để xác định. Dù sao nghe chuyện cũng phải nghe từ hai phía, không phải sao”

“Thú thật với cậu, tôi cũng chỉ biết sơ qua năm đó là do nó dính phải bê bối ở trường nên bị đình chỉ, sau này không liên lạc được nên cũng không biết nhiều hơn”

“Vậy ông không biết bê bối đó là do người vợ sau của mình gây ra phải không”

Vẻ mặt ông Hùng hiện lên rõ hai chữ ngạc nhiên, không giống như đã biết qua. Minh không đợi ông trả lời, ngắn gọn kể lại chuyện xóm lao động năm đó từ lần đầu tiên hai người gặp nhau, đến chuyện anh Tú di cư qua Mỹ với mẹ. Không thừa không thiếu, nói xong thì chào một tiếng rồi quay đi.

Sau lưng nhà thờ hôn lễ, cậu đã hỏi anh, nếu như thời gian quay ngược trở lại anh có muốn thay đổi gì không. Anh Tú vẫn như chàng thanh niên năm đó, mỉm cười phủi đi lớp bụi trên áo cho cậu.

“Nếu có thể, anh đã không lỡ mất một thời tươi trẻ”

Câu trả lời chính là, dù có quay lại cũng không thể, cho nên anh chọn đi tiếp mà cậu cũng vậy, đừng quay đầu đuổi theo nữa, hưởng trọn chút gió hè nóng hổi cuối cùng trong đời, thu rất nhanh rồi sẽ đến thay anh. 

Bình luận về bài viết này